Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Bài học từ sự thất bại

Khi mới bắt đầu trồng cây, mình làm cây chết không phải là ít. Dần dần qua quan sát, nhận xét, học hỏi, rồi rút kinh nghiệm thì cây cối đã đỡ phải ... "khốn khổ" dưới bàn tay của mình.

Bài học chọn cây

Khi mới "vào nghề", mình chẳng phân biệt được cây xứ nóng hay cây xứ lạnh, cây dễ chăm hay là õng ẹo ... Mình cứ thấy hoa đẹp là mua. Nhưng lạ quá, mình mua cây gì mắc tiền một chút là nó chết. Sau mình hiểu ra rằng cây mắc tiền nếu không vì vận chuyển đường xa hoặc giống mới nhập thì là vì cây khó trồng, khó nhân giống nên mới có giá thành cao. Vậy là từ đó mình chọn những cây rẻ để trồng, vừa thỏa mãn ý thích trồng cây, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm. Nếu cây có chết thì không tiếc lắm mà tiếp tục ... lên đường thẳng tiến đến chợ cây.
Kết luận : với người mới bắt đầu trồng, chưa biết cách chọn cây thì nên mua cây rẻ tiền .


Bài học thay chất trồng

Mua cây về, mình giũ hết đất cũ đi để thay chất trồng mới. 30% ra đi không trở lại. 30% khác ngắc ngoải không sung lên nổi. Giờ sao đây ta ? Cứ để nguyên thì chơi được vài tháng, mà gỡ hết đất cũ ra thì  5 ăn, 5 thua.

Riết rồi mình cũng rút ra được kinh nghiệm riêng. Mình không lập tức thay chất trồng mà sẽ đánh giá chất trồng đó xem có giữ nước nhiều lắm không, có đủ độ thông thoáng không ? Nếu ổn thì mình sẽ để nguyên bầu đất, đặt vào chậu và lót thêm chất trồng của mình ra ngoài. Nếu chất trồng của nhà vườn không tốt, mình sẽ gỡ bớt ra những phần có thể gỡ dễ dàng mà thôi, không giũ cho "sạch sẽ" như trước nữa.

Đối với những cây có thể cắt cành giâm thì mình sẽ gỡ thoải mái nếu không thích dùng chất trồng cũ. Chẳng hạn như lá màu, mười giờ, thanh tú, dâm bụt ....

Đối với những cây õng ẹo như dạ yên thảo, dừa cạn rũ ... mình sẽ không bao giờ gỡ bầu đất ra. Tay cùi của mình đã làm từ chết tới bị thương 100% những loại này nên mình sẽ đối xử với nó theo kiểu ... cùi.


Bài học tưới nước

Trước kia mình hay thò tay xuống lỗ thoát nước (đối với chậu treo) để xem độ ẩm còn nhiều hay ít thì tưới. Một bữa kia thò tay vào trúng con chuột nằm trong đó. Ôi thôi khiếp vía. Chẳng bao giờ mình còn dám làm như vậy nữa. Trồng riết rồi quen, biết cây nào cần nhiều nước, cây nào dễ úng.

Cây thu hải đường là cây rất dễ úng lá, tiếp đến là tử la lan. Đối với những cây như vậy thì mình tưới vào buổi sáng và đặt nơi thoáng gió để lỡ nước có làm ướt lá thì cũng mau bay hơi.

Dừa cạn không thích trời mưa liên tục, chất trồng chưa kịp khô lại tiếp tục bị ướt vì cơn mưa khác dễ làm nó trở bệnh nan y ( héo thân). Những giỏ dừa cạn ở bancony mình trồng từ tết vẫn liên tục ra hoa không dứt nhưng những cây dừa cạn trồng trên sân thượng hay bị bệnh hơn.

Cẩm cù và dischidia dễ làm "liệt sĩ" (tức là chết vì nước). Cứ nghĩ là loại này thích mưa nên mình cho tụi nó dầm mưa thoải mái. Kết quả là mùa mưa năm trước mình bị chết một cây cẩm cù và toàn bộ dischidia bị thương, mỗi loại chỉ còn vài cọng. (Vậy mà cẩm cù nằm trên mái tôn suốt 7 tháng vẫn không chết. Thế mới đau !) Năm nay mình rút kinh nghiệm, nếu mưa liên tục cả tuần thì mình cho tụi này nép hết vào mái hiên. Hơi mưa làm tụi nó sở sơ lắm.



Bài học bón phân

Biết rằng bón phân chỉ dùng 1/3 đến 1/2 liều lượng của nhà sản xuất nhưng tính lụp chụp và nóng vội của mình vẫn gây ra tai nạn cho cây. Vì vậy mình thường bón phân hữu cơ cho an toàn. Phân bò, phân trùn, bánh dầu thủy phân, dynamic lifter, rapid raiser, bounce back là những loại phân mình thường dùng. Nếu cần thiết phải bón phân vô cơ thì mình dùng phân của Thái Lan, mình thấy nó an toàn hơn dùng ure.


Bài học đối phó với sâu bệnh

"Sơ kết" đến giai đoạn này thì cây chết vì phân quá liều, nước quá độ, thay chất trồng quá tay hay chọn cây không đúng khí hậu không còn nhiều như trước nữa. Hiện nay cây chết đa số vì lũ yêu quái. 

Có lần mình phun thuốc xong thì lấy bao nylon trùm lên. Sung sướng nghĩ rằng bọn chúng sẽ ... chết sặc. Xong rồi mình đi làm việc khác và quên mất. Đến khi lên xem thì tất cả đã trở thành một dĩa rau luộc mà không vớt ra khỏi nồi nước vậy. Lá vàng và héo úa hết. Tự mắng nhiếc mình chết vì thiếu hiểu biết.

Cái khó còn ở chỗ phun thuốc lần này cây không chết nhưng lần khác lại chết hoặc cháy lá.

Giờ mình chỉ có thể loại khỏi danh sách những cây nào thường tái đi tái lại một loại sâu bệnh. Phun thuốc lúc trời mát, xong một lúc thì rửa lại cho sạch để khỏi chết cây.


Đó là những bài học "đau thương" của mình nhưng thất bại không phải là kết thúc. Thất bại cho mình bài học kinh nghiệm. ( Quan trọng là mình phải biết mình làm sai ở khâu nào thì mới rút được kinh nghiệm ).

Từ lý thuyết và kinh nghiệm của người khác, mình phải biến thành thực hành và trải nghiệm của riêng mình. Không thể cứng nhắc với mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh được. Thiên nhiên không có một công thức cố định.

Mình thích nhìn vào "sắc mặt" của cây để có câu trả lời chính xác nhất : cây có thích sự đối xử của mình như vậy hay không ?

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét