Cây bắt mồi của mình thuộc họ nắp ấm. Lúc trước, mình cứ nghĩ là cây này khó trồng, giá lại cao nên mình ngần ngại không dám thử nhưng từ khi đánh liều rước một em về trồng thì suy nghĩ ấy đã không còn nữa.
Cây nắp ấm là một trong số ít những cây mình trồng được cả nhà yêu thích. Con gái học sinh vật về những loại cây bắt mồi, nay được tận mắt nhìn thấy nên rất hào hứng. Con hỏi thò tay vào miệng ấm thì cái nắp ấm kia có đóng lại kẹp tay mình không ? Hihi, mời con cứ việc thử.
Những chiếc lá có gân lá nối dài ra, đó chính là những tua cuốn giúp cây leo trèo (vì mình treo chậu cây giữa trời nên tua cuốn không phát huy được tác dụng). Đầu tua cuốn hình thành những chiếc mầm ấm. Mầm ấm đủ ẩm sẽ lớn dần lên và từ từ hé nắp để chờ đón con mồi. Trong chiếc ấm tự sản sinh ra dung dịch lỏng, mình chưa nếm thử nhưng đoán chắc dung dịch này có vị ngọt vì nó thu hút rất nhiều kiến đến làm mồi. Dung dịch này còn có tác dụng giúp cây tiêu hóa thức ăn. Những chiếc nắp trên miệng ấm không thể đóng lại sau khi bắt được mồi như con gái tưởng tượng mà có tác dụng (mình đoán là) che bớt lượng mưa hay nước bên ngoài vào trong ấm làm loãng dung dịch bên trong.
Sự hình thành nắp ấm
Sau 1 năm trồng, cây nắp ấm đã cao khoảng 1,5m trông loằng ngoằng không còn đẹp mắt nữa nên mình đã "đốn hạ" nó. Thói quen của mình là "tỉa cành mà không vứt rác" nên mình cắt cây làm nhiều đoạn nhỏ, cắt bỏ bớt lá và đem giâm. Không quan tâm lắm, sống được thì tốt, không sống cũng không sao, ai dè sau khoảng 2 tháng giâm, nó vẫn lên mầm mới nhưng tỷ lệ sống chưa cao. Giâm 5 cành chỉ có 2 cành sống còn 3 cành héo khô. Sau này mình mới biết giâm nắp ấm thì cần giữ trong lồng kính hoặc trong bịch nylon để đủ ẩm.
Một trải nghiệm nhỏ thú vị với nắp ấm. Nếu có dịp, mình cũng sẽ thử với những loại cây bắt mồi khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét