Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Phát hiện thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng

Năm 2012, công tác thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm và xử lý, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng nghìn hécta đất.

Tuy vậy, số vụ tham nhũng được phát hiện còn ít, trong cả năm chỉ hơn 100 đối tượng bị phát hiện vì có hành vi liên quan…

Tham nhũng nhiều, xử lý ít

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác ngành thanh tra năm 2012 diễn ra sáng 4-1 cho thấy, năm 2012, toàn ngành đã triển khai 9.685 cuộc thanh tra hành chính và 168.702 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 527.544 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 29.860 tỷ đồng, 1.533 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 13.085 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 31.130 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.033 tập thể, 2.212 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 59 vụ việc, 104 đối tượng.

Đáng chú ý, có đến 70% tố cáo khiếu nại, sai phạm liên quan đến đất đai. Chỉ tính riêng 2 cuộc thanh tra về đất đai tại Hà Nội và Đà Nẵng đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi 12.153 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rất trầm trọng. Qua thanh tra đã phát hiện thất thoát và kiến nghị thu hồi 4.874 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 28.901 tỷ đồng có vi phạm về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định, đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả.

Cũng trong 2 lĩnh vực này, ngoài các đoàn thanh tra của bộ, ngành, địa phương, riêng lực lượng Thanh tra Chính phủ tiến hành 46 cuộc thanh tra. Đến nay đã ban hành 24 kết luận, kiến nghị thu hồi 17.750 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và xử lý khác 29.562 tỷ đồng… Đáng chú ý, tuy số vụ phát hiện vi phạm khá nhiều song việc thu hồi, xử lý sau thanh tra lại chưa cao. Chẳng hạn trong số 17.750 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, đến nay mới thu hồi được hơn 2.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng dù đã có chuyển biến tích cực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2012, toàn ngành Thanh tra phát hiện 89 vụ, 107 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 104.592 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 104.592 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 24 vụ, 42 đối tượng, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. So với thực tế thì số vụ tham nhũng phát hiện được còn ít, kết quả khiêm tốn, hiệu quả thanh tra chưa cao, một số kết luận thanh tra còn chưa chắc chắn, chưa thuyết phục, nhiều vụ còn biểu hiện dễ dãi, châm chước…

Thanh tra trọng tâm các lĩnh vực “nhạy cảm”

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2013, công tác thanh tra sẽ dồn trọng tâm, trọng điểm vào các nội dung quan trọng, các lĩnh vực nhạy cảm, bao gồm: Tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường vàng, quản lý sử dụng đất đai… Đồng thời, sẽ tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 70%.

Đặc biệt, trong năm 2013, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức thanh tra lại hoặc thanh tra đột xuất các cuộc thanh tra có dấu hiệu vi phạm. Trong đó sẽ tiếp tục thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Tập trung giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường thanh tra xử lý tham nhũng với quyết tâm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành thanh tra cần phải chủ động, tích cực và nỗ lực hơn trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sự chuyển động mạnh mẽ hơn, kết quả cao hơn. Với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cũng cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thanh tra, giải quyết tố cáo khiếu nại.

Trong đó phải chú ý thanh tra làm rõ các vụ việc mà dư luận có nhiều ý kiến, tăng cường thanh tra việc quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trực thuộc và UBND cấp dưới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, nhất là kê khai tài sản, công khai minh bạch, quy tắc ứng xử, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.


Xử phạt 13 cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài

Liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo gây bức xúc dư luận thời gian gần đây, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc đã có kết luận thanh tra. Cụ thể, trong năm 2012, qua thanh tra chuyên ngành 2 nội dung, Thanh tra Bộ đã phát hiện, xử phạt hành chính 13 cơ sở liên kết đào tạo trái phép có yếu tố nước ngoài, chấm dứt hoạt động với 10 đơn vị. Mặt khác, đã phát hiện sai phạm và xử lý, yêu cầu nhiều trường phải đình chỉ tuyển sinh một số ngành đào tạo không đạt điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng; yêu cầu gần 20 trường cao đẳng, đại học khác phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành học có số lượng sinh viên chính quy trên lượng giáo viên quy đổi quá cao, diện tích cơ sở đào tạo quá nhỏ…

Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, năm 2013, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra chuyên ngành với 2 chuyên đề mới, gồm: trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của các bộ, ngành có trường Đại học, Cao đẳng; Thanh tra việc tuyển dụng giáo viên và luân chuyển cán bộ công chức giáo dục tại các trường học cũng như trong toàn ngành…


Theo Tiến Hưng
ANTĐ
Tổng hợp: Báo mua bán nhà đất HPT

Socializer Widget By Blogger Yard
SOCIALIZE IT →
FOLLOW US →
SHARE IT →

0 nhận xét:

Đăng nhận xét